Làm thế nào để vượt qua nỗi đau chia tay?

Nếu bạn có chủ đích tìm đến bài viết này, tôi biết, có thể hiện giờ bạn đang ngồi ở trong căn phòng của mình, trên giường, tắt đèn, trái tim bạn đang nặng trĩu. Mỗi khi đêm xuống, ở một mình, tâm trí bạn lại ùa về những ký ức hạnh phúc khi hai bạn còn bên nhau, và kèm theo đó là những câu hỏi “Tại Sao” trong lòng.

“Tại sao sau tất cả mọi điều mà chúng ta đã trải qua, người đó có thể lạnh lùng quay đi và đối xử với mình như vậy?” – Có thể bạn cũng đang hỏi mình câu hỏi này.

Bạn trách họ, và bạn trách mình.

Tôi không khuyên bạn ngừng khóc hay ngừng buồn. Tôi biết nỗi đau này nó có thể lớn đến thế nào. Ngược lại, tôi muốn nói với bạn rằng bạn hãy khóc và cứ buồn. Đó là cách duy nhất để cảm xúc thật sự đi ra khỏi bạn.

Vài năm trước, tôi chia tay người bạn trai của mình sau một khoảng thời gian dài bên nhau. Mối quan hệ này kết thúc đã để lại trong tôi một khoảng trống rất lớn mà không biết xử lý thế nào. Tôi quyết định chôn giấu nỗi đau này dưới đáy trái tim, và làm một cuộc chạy trốn.

Tôi ra nước ngoài, tìm bạn bè mới, công việc mới, và cuộc sống mới.

Ở bên ngoài, tôi dường như có một cuộc sống rất vô tư và thoải mái. Tuy nhiên, từ tận sâu trong lòng mình, tôi biết rằng quá khứ vẫn luôn đi theo mình.

Vết thương chưa lành thì vẫn luôn ở đó. Nó chỉ được quên đi tạm thời bằng những niềm vui mới. Và khi mọi thứ không còn mới nữa, nỗi đau này lại bắt đầu quay trở lại.

Giống như mỗi lần trời lạnh là bà của tôi lại thấy đau chân vậy.

Chỉ đến khi tôi dừng lại và cho phép mình được đối diện với nỗi đau năm nào, tôi mới dần có thể cởi bỏ cho mình những vấn vương cũ, học những bài học mà tôi luôn né tránh và thật sự bắt đầu những chuyến hành trình mới.

Chia tay chưa bao giờ là điều dễ dàng với tôi cả. Tuy nhiên, từ trải nghiệm của bản thân mình, tôi chắc chắn nó có thể vượt qua được một cách nhẹ nhàng và bình yên, cho dù nó có thể tốn của bạn những giọt nước mắt và những đêm mất ngủ.

Ở trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn 4 bước mà tôi đã đúc kết được sau những lần chia tay của mình. Nếu bạn kiên trì áp dụng, tôi tin rằng nó sẽ giúp bạn rất nhiều.

Bước 1: Cảm nhận cảm xúc

Tôi nghĩ rằng bộ phim Inside Out (những mảnh ghép cảm xúc) là minh họa rõ nét nhất về những điều tôi muốn nói.

Bộ phim này kể về một cô bé tên Riley. Cô bé có cuộc sống bên ngoài bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của bộ phim là việc nó nhân cách hóa 5 cảm xúc trong người cô bé thành 5 nhân vật – Vui Vẻ, Buồn Bã, Sợ Hãi, Tức Giận và Chảnh Chọe.

Năm nhân vât này cùng sống trong cô bé và chịu trách nhiệm điều khiển cảm xúc của Riley. Cả 5 nhân vật này đều rất yêu Riley, nên họ quyết định rằng cả đời này sẽ cố gắng hết sức để Riley luôn được vui vẻ, mặc cho sóng gió bên ngoài kia thế nào.

Đặc biệt, họ cấm cô bạn Buồn Bã không được đụng vào bất cứ mảng ký ức nào để tránh Riley sẽ nhớ lại những ký ức đau buồn.

Ở cuộc sống bên ngoài, Riley được bố mẹ cô coi là một cô gái vui vẻ. Tuy nhiên, thật sự thì cô bé luôn cảm thấy gồng mình và trống trải.

Ý nghĩa của cả bộ phim được đúc kết lại ở trong đoạn kết, khi các nhân vật cảm xúc cho phép cô bạn Nỗi Buồn được chạm vào ký ức của Riley thì Riley đã quay trở về nhà, khóc òa lên và thú nhận với bố mẹ về mặt yếu đuối của cô. Ba người họ cùng ôm nhau và sau cùng Riley đã nở một nụ cười trên môi.

Hạnh phúc sẽ tự động đến khi cảm xúc được cảm nhận trọn vẹn. Và nó sẽ đến một cách tự nhiên mà không cần bạn phải cố gắng làm điều gì.

Vết thương chỉ được chữa lành khi bạn dám đối mặt với nỗi đau.

Bạn thân mến, bây giờ hãy hít một hơi thở thật sâu, cầm lấy cây bút và để một trang giấy trước mặt. Sau đó hãy hỏi bản thân: “Bây giờ tôi đang cảm thấy thế nào?”

Bước 2: Nhận thức

Cô bé Riley của Inside Out có năm cảm xúc khác nhau trong người. Tuy nhiên, trên thực tế, con người chúng ta có nhiều cảm xúc hơn thế. Những cảm xúc đôi khi lẫn lộn, phức tạp và khó gọi tên.

Theo nghiên cứu của bác sĩ tâm lý Kubler Ross, khi một người trải qua một nỗi đau mất mát như chia tay, họ sẽ phải thường trải qua 5 giai đoạn cảm xúc. Bắt đầu từ việc sốc/phủ nhận sự thật cho đến cuối cùng là chấp nhận và chữa lành.

Các giai đoạn này thì có thể nhiều hơn hoặc ít hơn tùy vào mỗi người.

Dưới đây là 6 giai đoạn mà tôi quan sát được từ trải nghiệm của mình:

1 - Sốc và phủ nhận sự thật

2 - Níu kéo

3 - Tức giận: oán trách, đổ lỗi

4 - Trầm cảm

5 - Bắt đầu vực dậy

6 - Chấp nhận và nhận thức

Việc biết được mô hình Kubler Ross đã giúp tôi nhận thức ra một điều rằng việc tôi trải qua cảm giác nhớ nhung hoặc buồn bã cực độ thì không có nghĩa rằng: “Tôi không thể sống nếu thiếu người đấy/Định mệnh đã gắn chúng tôi với nhau” hay “Kiếp này ta sinh ra chỉ để dành cho nhau” (Hệt như những bộ phim Hàn Quốc mà tôi đã từng xem và bắt chước y chang).

Những cảm xúc này xảy ra hoàn toàn bình thường khi bạn phải rời xa một người mà mình đã hoặc đang rất yêu thương.

Và tôi hiểu, có thể hiện giờ bạn đang cảm thấy vô cùng trống trải và muốn nhắn tin ngay cho người yêu cũ của mình. Tôi không cản bạn. Nhưng tôi mong rằng bạn có thể ngồi xuống, uống một ngụm nước, và chờ cho mình bình tĩnh lại trước khi đưa ra quyết định. Khi bạn bình tĩnh, bạn sẽ biết mình muốn gì.

Cho dù hiện giờ bạn đang ở trong giai đoạn cảm xúc nào sau chia tay, hãy cứ quan sát chúng, tận hưởng những trải nghiệm chúng mang lại khi ở đây. Vì tôi tin rằng, không lâu nữa đâu, bạn sẽ thật sự mỉm cười trở lại.

Bước 3: Yêu bản thân

“Tại sao? Mình đã làm gì sai?” - Bạn đang hỏi mình câu này. Tôi nói đúng chứ?

Cho dù bạn bè bạn có đang an ủi bạn nhiều đến thế nào, tâm trí bạn cũng sẽ luôn chờ chực để rủ rỉ bên tai bạn rằng bạn chưa đủ đẹp/chưa đủ tài năng/chưa đủ nữ tính/chưa đủ một cái gì đó để níu giữ người đó và làm họ yêu thương bạn.

Bạn thân yêu, tôi thật sự rất yêu bạn nên tôi muốn nói điều này với bạn: Việc người ấy đối xử với bạn thế nào hoàn toàn không nói lên điều gì về bạn.

Họ làm vậy vì họ có lý do riêng. Một con người từ khi sinh ra và lớn lên, đã trải qua rất nhiều chuyện, học rất nhiều thứ mà ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận một mối quan hệ. Tôi không biết đó là gì, bạn cũng không biết, và thậm chí có thể ngay cả họ cũng không thể hiểu tại sao họ lại hành xử với bạn như thế.

Lúc này đây, có thể bạn đang cảm thấy chán ghét chính mình. Bạn bỏ bê bản thân, lao vào ăn ngủ thất thường, tìm kiếm những điều bên ngoài chỉ mang lại nỗi đau cho bạn, hoặc bạn sẽ lao vào tập thể dục quá sức, cố gắng trở nên thật lộng lẫy chỉ để người kia “hối tiếc”. Vì tận sâu trong lòng, bạn tin rằng mình không đủ và không xứng đáng được yêu thương.

Bạn chẳng cần chứng minh hoặc cố gắng ép mình phải thay đổi, vì tôi thật sự tin rằng, bạn đã thật sự vô cùng xinh đẹp và có giá trị cho dù thế nào đi chăng nữa.

Hãy nhìn vào gương mà xem, chẳng phải chính con người đứng trước mặt bạn mới là người luôn ở đây cạnh bạn mỗi khi bạn buồn hay vui sao? Trái tim bạn luôn đập suốt bao nhiêu năm nay để bạn có thể được sống và tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống này. Ánh mắt bạn luôn sáng để bạn được nhìn thấy những người bạn thương yêu, và còn rất nhiều rất nhiều điều khác nữa.

Chẳng phải bạn cũng rất tuyệt vời và đáng được yêu thương sao?

Hãy yêu bản thân mình. Và việc yêu đó thì bắt đầu bằng việc nói với mình rằng bạn luôn được yêu thương và xinh đẹp cho dù có ai rời bỏ bạn đi chăng nữa.

Bạn luôn có giá trị, luôn có giá trị. Giá trị của bạn thì không phụ thuộc vào bất kỳ ai đến hay đi với bạn trong cuộc đời này.

Bước 4: Tìm niềm vui cho cuộc sống của mình

Việc chữa lành vết thương sau chia tay có thể làm mất của bạn một khoảng thời gian. Tuy nhiên, cuộc sống của bạn thì vẫn cứ tiếp diễn. Bạn vẫn còn công việc, còn ước mơ và cả một chặng đường dài phía trước. Cảm nhận cảm xúc là một điều tốt, tuy nhiên bạn cũng không muốn rằng sau khi mình hoàn toàn hồi phục thì cũng là lúc công việc của bạn đi xuống, đình trệ và xa cách gia đình bạn bè đúng không?

Thực ra bạn có thể có cả hai. Đó là vừa chữa lành vết thương và vừa tận hưởng cuộc sống của mình.

Tôi nhớ hồi tôi vừa chia tay người bạn trai của mình. Lúc đó, tôi còn yêu anh ấy nên cảm thấy rất đau khổ. Tuy nhiên, trong cùng thời gian đó, tôi vẫn làm rất tốt các công việc của mình, tổ chức thêm 2 buổi Workshop, cho ra nhiều các nội dung và chương trình coaching cho khách hàng của mình.

Tôi không ý nói bạn cần phải gồng mình lên để làm việc. Điều bạn cần làm là cho phép mình cảm nhận cảm xúc, đồng thời vẫn dành thời gian để làm những điều khiến bạn vui.

Những điều khiến cho bạn vui thì có thể là tham gia một lớp học nhảy, hẹn bạn bè đi tâm sự, chạy bộ buổi sáng, tham gia một buổi Workshop yêu thương…Những điều này tuy có thể rất đơn giản, nhưng nó sẽ mang lại cho bạn nhiều năng lượng để đi tiếp và vượt qua được giai đoạn này.

Thông thường, khi đi trong bóng tối, bạn nghĩ rằng chẳng có gì có thể mang lại ánh sáng cho mình.

Nhưng điều đó không phải là sự thật. Giống như những điều tự nhiên trong vũ trụ, có ngày thì sẽ có đêm, có sáng thì có tối, có âm ắt có dương, khi bạn đi trong bóng tối thì chắc chắn có ánh sáng ở quanh đó.

Tất cả nỗi buồn và niềm vui của bạn đều tạo nên nét đẹp đặc biệt cho chính cuộc sống của bạn.

Đến giờ, tôi thật sự cảm ơn những người bạn trai đã trải qua cuộc đời tôi, dù ngắn hay dài. Chính vì những điều đó mà tôi mới nhận ra được những điều mình cần học về bản thân mình, về việc yêu và được yêu. Đặc biệt hơn cả, nó giúp tôi có những trải nghiệm quý báu để có thể chia sẻ với bạn như bây giờ.

Những thất bại lớn nhất của bạn sẽ chính là những bước ngoặt phát triển cho cuộc đời bạn. Nó giúp bạn mạnh mẽ để chuẩn bị cho những điều bạn thật sự mong muốn.

Tôi mong rằng với 4 bước trên có thể đưa cho bạn những chìa khóa để bạn vượt qua nỗi đau chia tay bình yên và nhẹ nhàng hơn.

Chia tay có thể là một sự giải thoát ý nghĩa để bạn học được những bài học quan trọng về bản thân và phát triển hơn nữa, hoặc nó cũng có thể là một cái lồng để bạn luôn mắc kẹt ở trong nó. Nó là điều gì thì đều do bạn lựa chọn.

Yêu bạn,

Katherine.        

Nếu bạn muốn xem video về bài viết này, bạn cũng có thể xem tại đây: Làm Thế Nào Để Vượt Qua Nỗi Đau Chia Tay.