Chìa Khóa Để Có Được Những Mối Quan Hệ Lành Mạnh

Đó là 9h tối thứ 7. Mình nằm trên chiếc giường quen thuộc, bên trong căn phòng ấm áp có chiếc ban công nhìn thẳng lên bầu trời đầy sao thơ mộng.

Mình rất thích nhìn lên những ánh sao lấp lánh đó và thả vào chúng những câu hỏi. Rất nhiều lần bế tắc thì mình đều tìm được hướng đi từ đó.

"Tại sao mình cứ liên tục thu hút phải những mối quan hệ rắc rối cho bản thân vậy nhỉ?" - Đây là câu hỏi của mình tối đó.

Cụ thể là mình đã gặp một anh chàng. Mình gần như bị "thao túng" bởi anh dù mình rõ là muốn một mối quan hệ nghiêm túc còn anh rõ là chỉ muốn giữ mình ở đối tượng "mối quan hệ mập mờ".

Mình để anh đi ra đi vào cuộc sống của mình bất kỳ lúc nào, khiến cuộc sống của mình bị xáo trộn và năng lượng cơ thể thì chạm đáy âm.

Theo một nghiên cứu chứng minh thì những mối quan hệ nguy hiểm nhất và gây mất thời gian cho bạn nhất là những mối quan hệ khi đến cho bạn cảm giác được quan tâm vô cùng, rời đi đột ngột không lý do và quay lại bất chợt.

Lúc này sự "thèm" và "khó dự đoán" sẽ khiến bạn bị rơi vào cảm giác nghiện mối quan hệ kiểu này. Càng ở lâu trong vòng xoáy này thì sẽ làm não bộ của bạn càng nghiện nặng và cực kỳ tốn thời gian.

Mình đã phải thử, sai, học lên học xuống rất nhiều lần để tìm ra chìa khóa tháo gỡ tất cả những vòng lặp này của bản thân.

Mình nhận ra rằng hầu như rất nhiều người dạy cách làm thế nào để thu hút “The One”. Ai ai cũng có thể biết được mình muốn chàng hoàng tử như thế nào.

Thế nhưng dù có viết rõ mồn một chàng hoàng tử ta mong ước thì có khi gặp được họ ta lại chạy mất dép.

Đó là bởi vì chúng ta thường không bị thu hút bởi những gì chúng ta muốn, ta bị thu hút bởi những gì quen thuộc.

Cảm giác không an toàn có thể không phải cái ta muốn, nhưng vì ta đã luôn quen với những cảm giác không an toàn trong các mối quan hệ với gia đình, với những người xung quanh từ khi còn nhỏ nên đây sẽ là cái ta cảm thấy quen thuộc.

Và quen thuộc thì nó lại cảm thấy an toàn, dù nó có đau khổ.

Vậy để thật sự có thể gặp được mối quan hệ lành mạnh, thì đầu tiên bạn cần nhận thức được đâu là mối quan hệ không lành mạnh (nó sẽ rất có vẻ giống lành mạnh), tìm hiểu về lý do gốc rễ tại sao mình lại bị thu hút bởi những mối quan hệ kiểu này và đặt ranh giới với chúng.

Nếu không thì bạn sẽ mãi lận đận với những mối quan hệ không lành mạnh cho bản thân và bỏ lỡ những điều khác.

Nghe thì có vẻ dễ hơn làm.

Người ngoài nhìn vào sẽ thấy khó hiểu rằng tại sao một người phụ nữ thông minh và độc lập như bạn lại cứ bận lòng giữ lại một mối quan hệ không xứng đáng như vậy. Nhưng mình cũng từng trải qua câu chuyện của bạn, mình hiểu.

Nó hoàn toàn không dễ để buông những mối quan hệ không lành mạnh.

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn cách nhìn những mối quan hệ thế này và làm sao để tránh rơi vào chúng để bạn đỡ việc mất thời gian và những đau khổ không cần thiết.


Bạn muốn làm hòa với cảm xúc sau khi chia tay, tự tin trở lại với chính mình và tạo ra niềm vui cho cuộc sống của mình? Download Free Guidebook của Katherine dưới đây và bắt đầu hành trình của mình


  1. Thế nào là mối quan hệ lành mạnh và không lành mạnh?

Trong các chương trình coaching của mình, Katherine hay hỏi các bạn: “Bạn muốn có một mối quan hệ như thế nào?”.

Tất cả mọi người đều trả lời vanh vách được. Hầu hết đều là những mối quan hệ yêu thương, biết lắng nghe, tinh tế, chung thủy, an toàn.

Vậy thì đâu là những mối quan hệ không lành mạnh? Đó sẽ là những mối quan hệ không yêu thương, không biết lắng nghe, họ không chung thủy, không cho bạn cảm giác an toàn, được quan tâm và khiến bạn đau khổ đúng không?

Không đúng. Ít nhất là sẽ không đúng với bạn.

Một mối quan hệ không lành mạnh không phải tất cả đều là đau khổ. Vì nếu như vậy thì một người thông minh và độc lập như bạn đã nói không ngay từ đầu rồi (thậm chí còn không được nói chuyện với bạn).

Một mối quan hệ không lành mạnh có những khoảnh khắc yêu thương, là “nhà” và ở anh ta có nhiều “tiềm năng” để phát triển mà chỉ bạn mới nhìn thấy. Bởi vậy nên cái nhìn của chúng ta dính chấp vào những “khoảnh khắc” và “tiềm năng” ấy, hi vọng rằng rồi họ sẽ thay đổi và bỏ qua những lúc bạn đau khổ, khó hiểu khi người đó bỗng biến mất và lạnh lùng với bạn (và đột ngột quay lại sau một thời gian trước khi biến mất tiếp!).

Bạn cảm giác mình bị ở trong một vòng xoáy của việc được yêu và không được yêu. Bạn vừa muốn bỏ đi lại vừa muốn níu kéo.

Bạn có cảm giác là mình không thể bỏ dù mình rất đau khổ.

Và bạn còn nghĩ rằng đây là một mối quan hệ lành mạnh và những gì bạn đang trải qua chỉ là thử thách nhỏ trong tình yêu.

Thực ra thì đây mới là mối quan hệ không lành mạnh khó nhận ra nhất và gây mất thời gian nhất.

Một mối quan hệ lành mạnh cũng sẽ không hoàn hảo, có những lúc bất đồng và mâu thuẫn. Tuy nhiên, sự khác biệt đầu tiên là họ chắc chắn về việc họ muốn tìm hiểu để hẹn hò nghiêm túc với bạn và thể hiện rõ ràng bằng hành động ra như vậy.

Còn nếu họ không muốn có một mối quan hệ tình cảm với bạn, họ cũng sẽ rõ ràng, thẳng thắn và hoàn toàn giữ khoảng cách với bạn để tránh gieo tương tư tổn thương bạn.

2. Tại sao bạn lại hay bị thu hút bởi những mối quan hệ không lành mạnh?

Nếu bạn được sinh ra ở trong một gia đình nơi mà bạn được hoàn toàn trân trọng cảm xúc, lắng nghe, yêu thương, thấu hiểu, hành trình khi lớn lên của bạn cũng hầu như luôn được có người bảo vệ và trân trọng thì khả năng cao là là bạn sẽ biết được mối quan hệ lành mạnh là thế nào rất rõ.

Sự rõ ràng và đối xử đầy yêu thương sẽ là tiêu chuẩn hiển nhiên khi một người muốn bước vào cuộc sống của bạn.

Trường hợp khác thì bạn sẽ có thể giống như mình.

Từ hồi còn bé thì mình đã chứng kiến môi trường cảm xúc hỗn loạn trong gia đình. Việc thấy bố ném bát cơm đang ăn từ phòng bếp sang phòng khách khi tức giận hay mẹ nằm khóc miên man trong phòng ngủ khi buồn hay chị mình nằm khóc vào mỗi dịp năm mới đến đã là những câu chuyện thường thấy của mình.

Bởi vậy, mình không có cơ hội được nghe ai hỏi “Con thế nào rồi?”, mà mình sẽ là người phải “ngoan”, “không khóc”, “không giận” để làm nhẹ đi bầu không khí của gia đình.

Đối với mình, việc bỏ qua cảm xúc nhu cầu của bản thân, chạy theo dỗ dành cho người khác vui và không (thể) buông tay cho dù có chịu sự lạnh lùng hay sự tức giận nào là chuyện cũng quá hiển nhiên.

Bởi vậy, sau này khi lớn lên, mình đưa những mô thức đó vào trong mối quan hệ.

Mình cảm thấy những mối quan hệ lành mạnh quá nhàm chán và có vấn đề. Những mối quan hệ không lành mạnh thì mới là lành mạnh, bình thường và quen thuộc.

Ngoài ra, sự độc lập từ sớm của mình cũng bắt đầu từ việc mình bắt buộc phải như vậy. Khi bố mẹ luôn bận túi bụi và còn chưa kịp giải quyết các vấn đề của họ thì mình đành phải tự tìm đường giải quyết những rắc rối của bản thân từ khi còn rất nhỏ.

Cảm giác không được bảo vệ và không được quan tâm đã khiến một đứa trẻ như mình tự nhủ với bản thân là “Bố mẹ bận quá thôi”, “Bố mẹ vẫn thương mình”, “Chỉ cần chút nữa thôi thì bố mẹ sẽ quay lại với mình”. Từ đó, mình có thói quen hay phủ nhận thực tế và hy vọng vào tiềm năng thay đổi của người khác.

Phải nhấn mạnh là mình rất rất thương bố mẹ. Bố mẹ đã làm tốt nhất những gì bố mẹ có thể để nuôi dạy mình đến ngày hôm nay.

Kể những câu chuyện này ra không phải để đổ lỗi cho bố mẹ mình. Nhận thức được câu chuyện cũ để mình thấy nguyên nhân gốc rễ của bản thân từ thời thơ ấu và giúp mình hình thành nên những cách suy nghĩ mới tốt hơn cho bản thân.

Ở câu chuyện phía trên, chính vì hay phủ nhận thực tế và hy vọng vào tiềm năng thay đổi của người khác nên đi vào những mối quan hệ tình cảm thì mình sẽ thường không dám đối mặt với sự thật con người của họ, mà mình sẽ chỉ chạy theo hình ảnh mình tưởng tượng về họ mà thôi.

Mình muốn hỏi bạn điều này: Những mối quan hệ tình cảm bạn từng trải qua có đặc điểm, cảm giác, mô thức nào giống với mối quan hệ trong gia đình bạn từ thời thơ ấu không?

Khi bạn có thể biết được những mô thức không lành mạnh nào đang mang theo từ thời thơ ấu thì nó là một cơ hội để bạn tách bạn và chúng ra và dần làm lại một mô thức mới lành mạnh hơn.

3. Tại sao những người phụ nữ độc lập, tốt bụng, nhạy cảm lại thường bị thu hút bởi những mối quan hệ không lành mạnh?

Những người phụ nữ độc lập thường là những người rất giỏi trong việc đặt mục tiêu và cam kết làm tới cùng. Mỗi khi gặp thử thách gì đó thì họ không bỏ cuộc dễ dàng, thay vào đó họ tìm ra giải pháp để làm tiếp.

Họ cũng thường không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác. Thay vào đó, họ hay soi chiếu vào bản thân để xem mình có thể cải thiện điều gì từ mình.

Tuy nhiên, giống như tất cả những nét tính cách khác, cái gì cũng sẽ có hai mặt.

Bởi vậy khi những người phụ nữ độc lập, thông minh, có lòng trắc ẩn, chưa yêu bản thân đủ và chưa biết cách đặt ranh giới cho bản thân thì gặp một người đàn ông do hai lý do phía trên đưa đẩy thì điều cô ấy làm sẽ là cố gắng phải giải được bài toán này tới cùng và không buông tay.

Bởi thế nên Katherine đã chịu ở trong mối quan hệ cũ đến 7 năm chỉ vì sự cam kết "make it work" từ phía mình.

Bởi thế nên có những khách hàng của Katherine họ thậm chí từng không thể buông ra một mối quan hệ độc hại đến 10 năm chỉ vì "mình đã hứa ở cạnh anh ấy."

Hãy cho mình thời gian để chậm rãi tìm hiểu một ai đó kỹ càng trước khi đặt lời cam kết.

Và khi đặt lời hứa thì chúng chỉ nên có hiệu lực khi cả hai cảm thấy hạnh phúc và tự do hơn. Thay vì là một cái nhà tù khiến bạn, họ hoặc cả hai cùng đau khổ mắc kẹt.

4. Chìa khóa để có được những mối quan hệ lành mạnh

Mình hy vọng bạn có thể nhìn ra được bức tranh toàn cảnh hơn về thử thách hiện tại của mình qua những ý chính phía trên.

Để có được mối quan hệ lành mạnh thì trước hết:

  • Nhận thức được rõ những kiểu mối quan hệ không lành mạnh mà mình thường bị thu hút vào

  • Nguyên nhân gốc rễ tại sao mình bị thu hút bởi chúng (mô thức từ thời thơ ấu, tổn thương trong chuyện tình cảm cũ, tính cách độc lập tốt bụng thích cứu người khác của mình,….) & tìm sự hỗ trợ phù hợp để tháo gỡ chúng ra

  • Đặt ranh giới, nói Không mạnh mẽ với những mối quan hệ này

Cuối cùng, quan trọng không kém đó là quay về học cách tự tin vào giá trị của bản thân mình và yêu bản thân mình. Bạn cần xây dựng mối quan hệ lành mạnh với bản thân mình trước để thu hút những mối quan hệ lành mạnh đến với bản thân.

Chứ không thì ngộ nhỡ một người lành mạnh đến với bạn thì bạn lại là người có “Red Flag” đấy.

Yêu bạn.

Katherine.

Những mối quan hệ không lành mạnh rất khó bước ra. Mình hiểu.

Và ngay cả khi bước ra nhưng bạn vẫn còn phân vân, nhớ nhung, bối rối thì tức là bạn vẫn còn có những nguyên nhân gốc rễ chưa nhận thức và tháo ra được.

Katherine đã ngụp lặn một mình trong mớ hỗn độn này suốt một thời gian dài. Mình không muốn để bạn lặp lại nỗi đau đó.

Katherine có thể giúp bạn.

Trong chương trình coaching 1-1 trong 5 tháng của mình, Katherine sẽ giúp bạn điều hòa và tự do khỏi những cảm xúc trong những câu chuyện tình cảm cũ, tháo gỡ nguyên nhân gốc rễ đã gây ra những vòng lặp không lành mạnh cho bản thân để bạn thật sự tìm lại được bình yên, sự tự tin vào bản thân và rõ ràng trong những câu chuyện tình cảm của mình để bạn mở lòng chào đón những mối quan hệ lành mạnh mới.

Đăng ký 1 buổi Free Coaching “Đánh Thức Trái Tim” tại đây và mình sẽ giúp bạn nhiều nhất có thể: