Làm Gì Khi Bị Thu Hút Bởi Những Người Đàn Ông Không Dành Cho Bạn?

10:30 phút tối, tôi và anh đang nhắn tin cho nhau.

Vừa nhắn tôi vừa tủm tỉm cười.

Đã từ rất lâu kể từ sau khi chia tay mối tình đầu cách đây 5 năm tôi mới có lại cảm giác này.

“Nhà”, “Cảm giác như một gia đình” là những từ tôi thường dùng để miêu tả với anh về cảm giác của mối quan hệ này.

Khi nghe đến từ “Nhà”, bạn sẽ có cảm giác thật an toàn và gần gũi, đúng chứ?

Tôi cũng thế.

Bởi vậy mà tối hôm đó khi cả hai tay tôi cầm điện thoại chỉ chờ chực nhận tin nhắn của anh, tôi đã tranh thủ nhìn lên bầu trời đêm đầy sao lấp lánh: “Có lẽ tôi đã tìm thấy anh rồi” – Tôi tự nhủ.

Nhưng có một điều mà tôi vốn không nhận ra ở thời điểm ấy, “Nhà” trong tôi chưa bao giờ là một nơi an toàn khi còn thơ bé.

Tôi sinh ra trong một gia đình có 3 chị em.

Hồi lên 5 tuổi, khi bắt đầu biết nhận thức một chút gì đó về thế giới xung quanh thì cũng là lúc gia đình tôi chịu nhiều gánh nặng về tài chính nhất.

Bố tôi hồi đó đang vừa làm bảo vệ trong công ty nhỏ và cũng vừa học lên. Mẹ tôi ngày nào cũng đạp chiếc xe đạp cũ đến trường học và tối muộn mới quay trở về nhà.

Chị tôi thì bước vào cái tuổi cấp 3 nổi loạn, còn em trai tôi thì còn quá nhỏ để hiểu về mọi thứ.

Trong ký ức của tôi, nhà là mỗi khi đi học về, tôi sẽ thấy mẹ ngồi ăn cơm một mình, chị tôi thì nằm khóc vì vài lý do nào đó và gương mặt căng thẳng của bố khi thấy mọi thứ trong nhà trở nên hỗn độn.

Nhà là nơi mà tôi không dám thở mạnh khi ngồi ở một góc tường, sợ rằng ngay cả tiếng thở của mình cũng có thể khiến bố mẹ thêm mệt mỏi.

Nhà cũng là nơi mà gần như mỗi ngày khi tỉnh dậy, câu đầu tiên tôi sẽ hỏi là: Liệu hôm nay mẹ có khóc? Bố có lại hất tô cơm ra giữa nhà không? Hoặc chị tôi có cười với mình?

Còn nếu không thì sẽ là “Liệu bố mẹ có ly hôn với nhau chứ?” kể từ cái ngày tôi đứng ở đằng sau bếp thấy bố đưa ảnh thờ của bà nội xuống và nói với chị: “Hai bố con mình sẽ ra ở riêng.”

“Nhà” trong tôi luôn có sự căng thẳng, chia ly và đầy sự sợ hãi.

Ấy vậy nhưng với một đứa trẻ chỉ lớn lên trong một không gian như thế, nơi đó lại chính là cảm giác quen thuộc nhất với nó. Thậm chí, nó không thể tưởng tượng được liệu ở đâu đó có tồn tại một “nhà” mà có sự an toàn, bảo vệ và thư giãn.


Tôi giúp phụ nữ làm hòa với quá khứ và tìm lại chính mình sau khi chia tay để họ tạo ra được sự bình yên và tự do cho cuộc sống của mình. Nếu bạn thật sự muốn bước sang một trang mới cho cuộc sống, tìm hiểu về chương trình coaching 1-1 “Giải Phóng Trái Tim Sau Khi Chia Tay” cùng Katherine tại đây:


Tôi nhớ cái ngày mà tôi với anh gặp nhau đến lần thứ ba, anh đã nói: “Này, anh chẳng tìm kiếm điều gì nghiêm túc cả đâu, đừng có suy nghĩ gì quá.” Anh cười và quay đi.

Theo lý thuyết, trong trường hợp này tôi nên bỏ đi và tập trung vào cuộc sống của mình. Vậy nhưng tôi lại cảm nhận ở anh một cảm giác quen thuộc, gần gũi và quyến rũ đến lạ thường.

Sau lần đó, tôi vẫn tiếp tục chuyện trò với anh.

Và đó cũng là những chuỗi ngày anh né thì tôi đuổi theo, tôi đi thì anh kéo. Chúng tôi tìm cách thay đổi nhau và phủ nhận cảm xúc của nhau.

Cho đến một ngày…

Lúc đó là 10:30 phút tối, tôi đi xe một mình về nhà từ nơi ở của anh. Con đường vắng tanh, cái lạnh của màn đêm len qua lớp áo khoác làm tôi cảm thấy rùng mình. Thỉnh thoảng tôi lại thở phào khi nhìn thấy những chiếc xe đi cạnh mình là của những người phụ nữ.

Thông thường, tôi sẽ luôn có người đưa về nhà vào lúc tối muộn thế này. Nhưng anh không muốn đưa tôi về, và tôi cũng đã chấp nhận điều đó.

Tôi dừng xe trước cửa nhà trong con hẻm yên ắng chỉ còn tiếng dế kêu. Trong khoảnh khắc đó, có một tiếng nói nhỏ vang lên trong đầu tôi: “Tôi xứng đáng được nhiều hơn thế này.”

Tôi luôn biết có điều gì đó không ổn ở mối quan hệ này, nhưng cảm giác ở cạnh anh giống như một cơn nghiện, vừa trống rỗng nhưng cũng vừa thoải mái.

Tôi đã đè nén tiếng nói này xuống, biện hộ cho những hành động lạnh lùng của anh rằng: “Dù sao anh vẫn nhắn tin cho mình”, “Có lẽ anh không biết thể hiện cảm xúc.”

Nhưng tối hôm đó, khi đối diện với cái bóng phản chiếu của tôi trước cửa nhà, tôi nhận ra được sự cô đơn trong chính cuộc sống của mình.

Ẩn sâu đằng sau cái cảm giác “nhà” của tôi và anh thực ra chính là nỗi bất an và lo lắng tôi đã mang theo từ thời thơ ấu.

Tôi đã mất một khoảng thời gian dài và khó khăn để nhận ra rằng tôi không bị thu hút bởi điều tôi muốn mà tôi bị thu hút bởi những điều quen thuộc với mình.

Những danh sách dài về tiêu chuẩn của một người bạn trai mà tôi viết ra mỗi năm thực sự chả có ý nghĩa gì khi tôi bỗng nhiên gặp “nhà” của mình trong một người đàn ông nào đó.

Đây cũng là lý do lớn nhất khiến tôi luôn chạy theo những người đàn ông không dành cho mình.

Họ một là đã có gia đình, hoặc đã có người yêu. Nếu không thì tôi sẽ say đắm những anh chàng độc thân nhưng không sẵn sàng cho một mối quan hệ.

Và rồi tôi sẽ rơi vào tình huống hoặc là đau khổ vì không đến được với nhau (do anh không bỏ vợ/người yêu) hoặc tổn thương vì ở trong một mối quan hệ mập mờ, lúc nóng lúc lạnh và lo sợ sẽ bị rời bỏ một ngày nào đó.

Điều thú vị là tôi sẽ gần như ngay lập tức từ chối những anh chàng nghiêm túc theo đuổi tôi, cam kết đầu tư cho mối quan hệ, biết cách bảo vệ tôi và cho rằng “chắc hẳn có điều gì đó không ổn ở họ”.

Tôi đánh đồng cảm giác an toàn thật sự thành cảm giác nhàm chán, bởi vì tôi đã quá quen thuộc với cảm giác bất an và lo lắng. Đó là “nhà” duy nhất mà tôi đã biết.

Có thể bạn từng nghe ai đó khuyên rằng: “Hãy rời đi nếu anh ta không sẵn sàng cho mối quan hệ”. Câu này nghe dễ nhưng làm thì thật khó.

Tôi hiểu điều này hơn ai hết. Nếu bạn ở trong trường hợp như vậy, bạn không đơn độc trong câu chuyện của mình.

Những vấn đề và cảm giác thiếu an toàn xuất hiện từ thời thơ ấu luôn nằm ẩn nấp trong tiềm thức của bạn, nó sẽ ở đó và chi phối cách mà bạn nhìn vào thế giới xung quanh theo lăng kính tổn thương mà nó gây ra.

Dưới đây là 3 nguồn dưỡng chất mà tôi sử dụng để quay trở về với chính mình khi bị thu hút bởi những người đàn ông không dành cho mình.

Nguồn dưỡng chất 1: Thành thật với bản thân

“Điều gì khiến bạn bị thu hút bởi những người đàn ông không dành cho bạn?” - Tôi muốn mời bạn trả lời câu hỏi này.

Nếu câu trả lời của bạn là: “Vì anh ấy đối xử tốt với mình”, “Anh ấy làm mình hạnh phúc”, “Và mình hy vọng với tình yêu của tụi mình, anh ấy sẽ thay đổi”, thì tôi muốn hỏi bạn tiếp hai câu hỏi sau:

1/ Bạn có sẵn sàng tiếp tục mối quan hệ này nếu anh ấy nếu trong vòng 1 năm nữa anh ấy vẫn không thay đổi?

Bạn có chấp nhận một người luôn giấu bạn trong bóng tối, không thể nắm tay bạn đi giữa nơi công cộng hoặc cùng bạn đi ăn một buổi tối lãng mạn vào đêm Valentine? Bạn có sẵn sàng chấp nhận những điều này thêm 1 năm nữa và bỏ lỡ đi những người đàn ông sẵn sàng muốn tiến bước đến một mối quan hệ nghiêm túc với bạn.

Để thay đổi một người là rất khó, ngay cả cho dù họ nói rằng họ muốn thay đổi thì đều cần rất nhiều thời gian. Bạn cần thành thật trả lời câu hỏi này cho bản thân mình.

2/ Cảm giác gì anh ấy mang lại cho bạn mà bạn không thể tự mang lại cho bản thân mình?

Tôi nhận ra rằng tôi muốn tìm kiếm cảm giác an toàn và được công nhận ở những người đàn ông này.

Đứa trẻ tổn thương trong tôi muốn đi tìm một cái kết đẹp cho nỗi đau thời thơ ấu của nó.

Khi tôi nhận thức được điều này thì tôi bắt đầu quay trở về với đứa trẻ trong tôi và học cách mang lại cảm giác an toàn cho em ấy. Điều mà tôi chưa bao giờ từng biết đến khi còn thơ bé.

Đó cũng là khi bạn cần sử dụng đến nguồn dưỡng chất số 2.

Nguồn dưỡng chất 2: Vỗ về đứa trẻ bên trong bạn

Khi một đứa trẻ cảm thấy lo lắng, không an toàn thì điều bạn cần làm sẽ là gì?

Bạn sẽ không thể nói giáo lý với đứa trẻ hay những câu an ủi hoặc đe dọa để đứa trẻ hết lo lắng và tủi thân. Điều đứa trẻ muốn bạn làm chỉ đơn giản là lắng nghe và ở cạnh chúng.

Dưới đây là ba bước tôi luôn làm để vỗ về đứa trẻ tổn thương bên trong mình:

Bước 1: Quay về với cơ thể

Nằm thoải mái trên giường và cảm nhận cảm giác lo lắng, sợ hãi và mất an toàn trong cơ thể của mình. Nhận thức được rằng đây chính là cảm xúc của đứa trẻ tổn thương trong bạn.

Bước 2: Lắng nghe cảm xúc của đứa trẻ

Cho phép cảm xúc được nhẹ nhàng đi qua mình bằng cách gọi tên cảm xúc của mình bằng câu: “Tôi đang cảm thấy…”. Với mỗi câu nói, bạn hít vào và thở ra qua phần cơ thể đang chứa đựng cảm xúc này.

Ví dụ: Tôi đang cảm thấy lo lắng.

Bạn càng gọi được tên các cảm xúc của mình một cách chính xác thì cảm xúc sẽ trôi qua bạn càng nhanh.

Tôi mời bạn ở lại bước này càng lâu càng tốt. Lắng nghe mọi cảm xúc nổi lên mà không đánh giá hoặc giáo lý đúng sai cho chúng.

Cho đến khi bạn cảm nhận được sự tĩnh lặng trong bạn thì đó là lúc đứa trẻ trong bạn bắt đầu cảm thấy an toàn thì bạn sẽ đến bước 3.

Bước 3: Gửi tình yêu đến với đứa trẻ

Bạn muốn nói điều gì với đứa trẻ ngây thơ đã từng bị tổn thương trong bạn? Hãy đưa tay lên ngực, nhắm mắt lại và trở thành người mẹ của chính đứa trẻ trong bạn.

Tôi thường nói với đứa trẻ trong tôi rằng: “Em được an toàn ở ngay trong cơ thể này. Chị sẽ tạo một cuộc sống tuyệt vời và thú vị cho em”.

Bạn càng luyện tập được 3 bước trên thì bạn càng cho đứa trẻ trong bạn hiểu được rằng em ấy đang hoàn toàn được an toàn ở ngay tại đây trong cơ thể bạn. Và không cần phải tìm kiếm sự bảo vệ ở trong bất kỳ ai khác.

Nguồn dưỡng chất 3: Đi tìm sự trợ giúp

Hai nguồn dưỡng chất ở trên chỉ giúp bạn bắt đầu quay trở về xoa dịu được đứa trẻ trong bạn. Để thật sự tháo gỡ được vòng lặp độc hại xuất hiện trong các mối quan hệ, bạn cần quay trở về “nhà” của mình để làm hòa với quá khứ, tìm lại chính mình để tạo ra được một cuộc sống bình yên và tự do.

Và bạn cần sự trợ giúp để đi đến được nơi đó.

Bạn bè và gia đình có thể là một nơi an toàn để bạn chia sẻ. Tuy nhiên, họ không thể hỗ trợ và theo sát bạn liên tục trong một thời gian dài (vì để thay đổi thì bạn cần thời gian). Họ có thể cũng chưa từng trải qua vấn đề của bạn và không có những kỹ năng cần thiết để giúp bạn tháo gỡ những vấn đề của mình.

Nơi tôi thường tìm đến đó là những chương trình coaching chất lượng 1-1.

Tôi may mắn vì mình được đồng hành suốt 4 năm nay cùng Milena Nguyễn – chị luôn có mặt ở bên cạnh mỗi khi tôi cần và giúp tôi tháo gỡ những nỗi đau sâu thẳm. Đôi khi chỉ đơn giản là lắng nghe và cùng chúc mừng tôi trên những cột mốc chuyển hóa nội tâm sâu sắc.

Ngay cả những lúc bạn nghĩ rằng không ai có thể giúp được mình thì cũng hãy cứ thử kiên trì cho mình một cơ hội.

Cho dù nó có không thể giúp bạn đến được nơi bạn cần đến thì nó cũng sẽ mở ra cho bạn những khả năng mới với những suy nghĩ mới để giúp bạn tạo ra một cuộc sống bình yên và tự do cho bản thân mình.

Đầu tư vào sự bình yên bên trong mình không bao giờ là một sự lãng phí.

Yêu bạn,

Katherine.

P/S: Nếu bạn thấy mình có xu hướng bị thu hút bởi những người đàn ông không dành cho mình, bạn muốn làm hòa với quá khứ và tìm lại lại chính mình sau những mối quan hệ này để bạn được bình yên và tự do cho cuộc sống, tôi có thể giúp bạn.

Tôi có chương trình coaching “Giải Phóng Trái Tim Sau Khi Chia Tay”. Chương trình được thiết kế 1-1, tập trung vào đúng mối quan hệ của bạn và chỉ dành cho 3 khách hàng mỗi tháng.

Nếu đây là điều bạn muốn, tôi mời bạn trải nghiệm 1 buổi coaching MIỂN PHÍ “90 phút đánh thức chính mình sau khi chia tay”.

Buổi coaching 90 phút giúp bạn nhìn ra được một bức tranh chung toàn cảnh về các vấn đề và hướng đi cho mối quan hệ của mình. Buổi coaching chỉ dành cho 3 bạn 1 tháng và thông thường sẽ hết chỗ rất nhanh.

Đăng ký tại đây càng sớm càng tốt nếu bạn muốn tạo ra sự thay đổi bền vững cho mối quan hệ của mình: