6 Điều Bạn Cần Biết Trước Khi Bắt Đầu Mối Quan Hệ

joanna-nix-vgkjJlEj-VQ-unsplash.jpg

Tôi còn nhớ đó là vào một ngày đẹp trời cuối năm.

Tôi - một người tưởng chừng như có một cuộc sống mãn nguyện bên ngoài - một công việc tốt, đam mê, mục đích sống rõ ràng và cả sự tự tin. Nhiều người nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, tận sâu thẳm trong trái tim mình, tôi luôn cảm thấy cô đơn, trống rỗng và thèm khát cảm giác được yêu thương.

Và thế là ngày hôm đó anh đến.

Ở cạnh anh, đứa trẻ trong tôi được ôm ấp và vỗ về. Sự nuông chiều của anh lấp đầy khoảng trống mênh mang trong lòng tôi.

Còn ở cạnh tôi, với lớp vỏ bọc hào nhoáng và hoàn hảo của mình, việc anh có được tôi khiến anh cảm thấy mình được tôn lên giá trị và sự công nhận đối với mọi người xung quanh – thứ mà anh luôn mải miết tìm kiếm.

Nhu cầu được thỏa mãn. Chúng tôi nhanh chóng lao vào tình yêu.

Thực sự thì tôi không nghĩ chúng tôi đã yêu nhau. Nói đúng hơn thì chúng tôi chỉ yêu cái cảm giác tốt đẹp về con người mình khi ở cạnh đối phương.

Tình yêu nồng cháy và đam mê lúc ban đầu nhanh chóng biến thành căn phòng kín, với đầy hơi khí độc của sự lừa dối, nghi hoặc và kiểm soát vô hình.

Thật khó để chấp nhận những sai lầm của mình mà không cảm thấy tội lỗi, trách móc và hạ thấp giá trị của bản thân. Tuy nhiên, đối mặt với sai lầm là một cách hiệu quả mà tôi biết để lớn lên và trưởng thành hơn.

“Bạn không biết những gì bạn không biết” - Tôi học được câu nói này từ một người mà tôi rất ngưỡng mộ.

Tôi đã không biết những gì mà tôi không biết. Do vậy, tôi đã mắc nhiều sai lầm. Nhưng cũng chính nhờ những sai lầm quý báu này mà giờ đây tôi có thể chia sẻ nó cho bạn.

Tôi mong rằng những điều tôi chia sẻ ở đây sẽ giúp bạn biết được điều mà bạn không biết để bạn có thể bước vào mối quan hệ một cách sáng suốt và tỉnh táo hơn, để bạn có một tình yêu ý nghĩa hơn và có thể là để bạn mắc những sai lầm khác dễ chịu và bớt đau khổ hơn.

Vậy thì bạn thân yêu, dưới đây là 6 điều tôi đã học được trước khi bắt đầu mối quan hệ:

1)    Biết được lý do bạn muốn bắt đầu mối quan hệ

Có hai lý do mà bạn muốn bắt đầu mối quan hệ.

Lý do thứ nhất là bắt đầu do bị nỗi sợ chi phối.

Bạn sợ đối mặt với nỗi cô đơn và trống trải khi nghe tiếng bước chân của mình trên con đường quay trở về nhà từ nơi làm việc mỗi ngày.

Thỉnh thoảng, khi vô tình chạm phải nụ cười của một cặp đôi đang nắm tay nhau, bạn khẽ chạnh lòng. Nhìn thoáng qua vẻ mặt hạnh phúc của cô gái, sự ghen tị trong bạn nổi lên: “Tại sao? Mình đâu có thua kém gì cơ chứ?”.

Bạn sợ sự phán xét từ những người xung quanh. Sợ rằng cứ mỗi khi gặp ai đó, họ lại hỏi câu hỏi quen thuộc: “Người yêu đâu?”. Thực ra không phải sự phán xét từ họ khiến bạn sợ, bạn chỉ đang sợ đối mặt với sự phán xét từ trong chính thâm tâm mình: “Có điều gì đó không tốt ở tôi mà khiến tôi vẫn đang còn độc thân?”

Lúc này, bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm tình yêu dựa trên nỗi sợ. Khi bạn sợ, bạn sẵn sàng ngã vào vòng tay của bất kỳ người đàn ông nào mang đến cho bạn cảm giác được yêu thương và chú ý.

“Khi bạn sợ, bạn sẵn sàng ngã vào vòng tay của bất kỳ người đàn ông nào mang đến cho bạn cảm giác được yêu thương và chú ý.”

Còn lý do thứ hai là bạn bắt đầu mối quan hệ vì tình yêu.

Khi bạn không còn sợ nữa, bạn thật sự cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống độc lập của chính mình, thì lúc đó khao khát được yêu một ai đó thuần khiết và nhẹ nhàng giống như cảm giác có một bông hoa muốn nở trong lòng bạn.

Bạn không gấp gáp, không vội vã. Bạn từ tốn trò chuyện và tìm hiểu những người mà bạn cảm thấy phù hợp nhất với mình.

Tips: Để biết bạn đang bắt đầu tình yêu vì lý do gì. Tôi mời bạn điền vào chỗ trống dưới đây.

“Nếu tôi không ở trong mối quan hệ với ai đó, thì tôi sợ rằng……….”

Hãy viết hết tất cả những gì tâm trí rót vào tai bạn lúc này. Câu trả lời có thể là:

“Tôi sợ người khác nghĩ tôi thật kém cỏi.

Tôi sợ sẽ cô đơn mãi mãi.

Tôi có gì đó không ổn và không đủ tốt để được yêu”.

Nếu bạn có những câu trả lời tương tự như ở phía trên, tôi muốn mời bạn quay lại với bản thân mình để học cách hiểu về giá trị của bản thân và hạnh phúc với chính cuộc sống của mình trước.

Chỉ khi bạn hiểu về chính mình, bạn mới có thể hiểu về người khác được.

2)    Biết được mối quan hệ mà bạn muốn

Tôi có một cô bạn, nhỏ tuổi hơn tôi. Tôi gọi cô ấy ở đây là Helly.

Helly thật sự đáng yêu và tốt bụng. Tôi còn nhớ lúc tôi chia tay bạn trai, em ấy đã kiên nhẫn ở cạnh và làm tôi vui thế nào.

Xung quanh em cũng không thiếu người để ý và muốn làm quen. Tuy nhiên, em đã có người yêu và cũng là chồng sắp cưới. Người này rất hay nói dối Helly.

Có lần, khi thấy em buồn rầu chuyện tình cảm, tôi hỏi: “Tại sao em không chấp nhận chuyện cậu ấy nói dối nhưng vẫn tiếp tục mối quan hệ này?”

Helly cúi mặt xuống, em trả lời: “Vì em đã lỡ yêu rồi”

Tôi hiểu cảm giác của em. Những người phụ nữ nhiều cảm xúc và được nuôi dưỡng trong gia đình truyền thống Việt Nam như tôi và em thì thường có xu hướng hy sinh và chịu đựng trong tình yêu.

Đây là điều mà tôi được dạy từ nhỏ, nên cho dù tôi có nhận thức được tới đâu, nó vẫn luôn quay lại trong các mối quan hệ tình cảm của tôi. Thay vì tìm cách nhổ sạch những niềm tin mà tôi được dạy từ nhỏ (điều mà tôi nghĩ là khó), tôi chấp nhận và học cách sống chung với nó.

Một cách hiệu quả để tôi nhắc nhở bản thân tránh việc sa đà vào những mối quan hệ độc lại là tạo một danh sách về mối quan hệ mình muốn, bao gồm 3 Có, 3 Không và Wishlist.

“3 Có” là 3 điều tôi mong muốn có được ở người ấy.

Đối với tôi đó là anh ấy có mục đích sống, có tư tưởng cởi mở, anh biết cách yêu thương bản thân mình và người khác.

Wishlist là danh sách những thứ ở anh mà có thì càng tốt, không có thì cũng không sao.

Thực ra, tôi nghĩ rằng bạn sẽ không tìm được hoàn hảo người mà có cả “3 Có” của bạn. Vì tôi tin rằng cuộc sống sẽ luôn cho bạn điều gì đó không đúng ý một tí để bạn học cách yêu một người dù họ không hoàn hảo. Do vậy, hãy cứ thoải mái với “3 Có” của mình.

Điều tôi muốn nhấn mạnh vào đây là “3 Không”.

“3 Có” thì có thể thay đổi nhưng “3 Không” là ranh giới của tôi trong tình yêu. Đây là những điều mà tôi biết chắc rằng sẽ mang lại đau khổ cho tôi về lâu dài. Nếu người mà tôi đang tìm hiểu có 3 điều này, cho dù tôi đang say đắm trong tình yêu thế nào, tôi cũng sẽ nhất định rời bỏ.

“3 Không” của tôi là không mở lòng chia sẻ, xúc phạm bằng lời nói/hành động và kiểm soát.

“3 Không” này giúp tôi bảo vệ bản thân tốt hơn và cũng giúp cho mối quan hệ trở nên khỏe mạnh hơn.

Còn bạn thì sao? 3 Có, 3 Không và Wishlist của bạn là gì?

3. Yêu chậm rãi

Đây là bài học xương máu nhất của tôi. Nếu tôi có thể viết một quyển sách chỉ xoay quanh chủ đề này thì có khi cũng được.

Khi tình yêu chớm nở thì sự mới lạ, viễn cảnh tương lai, hormones, tình dục và cả sự cô đơn có thể đến cùng lúc khiến bạn rơi tự do vào trong cái hố của tình yêu.

Điều này có thể sẽ gây nguy hiểm cho bạn về lâu dài khi bạn vẫn chưa biết được người mà bạn chuẩn bị yêu đương và cam kết thật sự là ai.

Đối với tôi, thứ cảm xúc khi mới bắt đầu mối quan hệ thì được gọi là cảm xúc yêu. Cảm xúc này, giống như rất nhiều những cảm xúc khác, sẽ qua đi rất nhanh. Tình yêu thật sự thì lại khác, nó sẽ diễn ra từ từ và chậm rãi mỗi ngày, khi hai bạn hiểu về nhau nhiều hơn.

Nếu bạn đang thấy mình đang lao vào tình yêu quá nhanh thì hãy đi chậm lại chút xíu. Bạn có thể tách bạn ra khỏi người ấy trong một vài ngày, làm điều gì đó mình thích để bạn cân bằng lại cảm xúc yêu trong người, và rồi quay lại mối quan hệ.

“Nếu nó là định mệnh, nó ắt sẽ diễn ra”


Bạn muốn tạo ra sự thay đổi cho mối quan hệ của mình? Tôi có thể giúp bạn. Hãy click vào “Apply” dưới đây để đăng ký buổi coaching miễn phí “90 phút đánh thức chính mình trong tình yêu” cùng Katherine.


4. Quan sát anh ấy như chính anh là

Tôi vẫn còn nhớ một câu nói trong bài Podcast của Oprah Winfrey, đó là: “Nếu anh ấy cho bạn thấy anh ấy là ai, hãy tin điều đó.”

Ngay từ rất sớm trong mối quan hệ, anh ấy sẽ luôn thể hiện con người thật của mình ra. Điều này có thể đến từ chính anh ấy nói cho bạn, hoặc cũng có thể là từ những hành động của anh ấy.

Cho dù anh có muốn giấu diếm về con người thật của mình đến thế nào, bạn vẫn sẽ nhìn thấy được dấu hiệu của nó.

Có lần tôi nghe người yêu cũ nói với tôi rằng anh ấy không chắc tình cảm của mình trong mối quan hệ này là thế nào. Có khi khác, tôi lại quan sát được rằng thỉnh thoảng anh ta rất hay nói dối và mập mờ, mặc dù chỉ là về những vấn đề nhỏ và không nghiêm trọng.

Đáng tiếc thay, tôi lại lờ đi hết những điều này. Tôi mong rằng anh sẽ thay đổi, hoặc có thể anh sẽ không nói dối những chuyện to tát hơn. Tôi mải miết đuổi theo những hình ảnh tôi kỳ vọng về anh, mà quên đi việc quan sát chính con người anh ở ngay tại thời điểm này.

Hãy quan sát con người thật sự của anh ấy, nó có thể cho bạn biết nhiều điều trước khi bạn lún sâu vào một mối quan hệ độc hại. Hoặc nó cũng có thể làm bạn nhận ra những điểm thú vị bạn chưa biết về anh ta thì sao.

Tips: Đây là 5 tips của tôi để bạn có thể thật sự quan sát về con người anh ấy:

1.    Quan sát hành động và lời nói. Anh ấy có thể nói rất nhiều nhưng hành động có nhất quán không?

2.    Thỉnh thoảng anh ấy có hay vô tình nói ra những câu nói rất khác so với “bình thường”- lúc mà trong trạng thái suy nghĩ kỹ rồi mới nói không? Những câu đột ngột nói ra đôi khi mới phản ánh chính xác tính cách thật của anh.

3.    Cách anh ấy cư xử và nói chuyện với những người xung quanh anh, đặc biệt là những người có ít tiền và địa vị trong xã hội thế nào?

4.    Bạn bè thân thiết xung quanh anh như thế nào? Tìm 3 người bạn hay tiếp xúc nhưng không thân lắm với anh và thử hỏi họ xem họ nghĩ gì về anh.

5.    Trò chuyện, trò chuyện và trò chuyện.

5. Lắng nghe trực giác

Bạn có thể sẽ cảm thấy nghi hoặc khi nghe đến điều này. Chúng ta thường được dạy rằng lắng nghe trực giác là một điều gì đó ngốc nghếch, cảm tính và thiếu chính xác.

Tuy nhiên, tôi có một vài số liệu khoa học cho bạn.

Trong vài năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu có những nhận định khác về trực giác:

  • Trực giác cũng có não bộ riêng của nó. Đây còn được gọi là bộ não thứ 2 của con người (enteric nervous system (ENS) - hệ thần kinh ruột). Nó chứa tới hơn 100 triệu tế bào thần kinh, nhiều bằng với tủy sống. Có bằng chứng còn chỉ ra rằng đây mới là bộ não đầu tiên của con người vì nó phát triển sớm hơn hệ thần kinh trung ương của chúng ta.

  • Trực giác giao tiếp với não bộ nhiều nhất thông qua phản ứng của cơ thể. Cơ thể bạn rất thông minh. Não bộ của chúng ta chỉ xử lý được khoảng 40 bit thông tin mỗi giây nhưng cơ thể có thể xử lý được 11.000.000 bit thông tin mỗi giây. Do vậy, mỗi khi muốn lắng nghe trực giác, hãy cảm nhận cảm giác của cơ thể.

Trực giác là một món quà rất tuyệt vời giúp cho mối quan hệ của bạn.

Bạn có thể bắt đầu lắng nghe trực giác bằng cách chú ý đến cơ thể của mình. Cơ thể của bạn phản ứng thế nào khi ở cạnh người này? Thư giãn hay co lại? Nặng nề hay thoải mái? Bình yên hay lo lắng? Hãy quan sát.

Và điều quan trọng là bạn sẽ cần học cách tháo gỡ những niềm tin giới hạn của mình để có thể lắng nghe trực giác một cách rõ ràng. Nếu bạn đang bị những nỗi sợ trong tình cảm chi phối thì nó sẽ làm ảnh hưởng đến sự chính xác của chiếc la bàn trong bạn.

6.    Vượt qua nỗi sợ bị tổn thương để mở lòng đón nhận tình yêu.

Khi tôi làm việc với những khách hàng cho chương trình coaching của mình, tôi nhận thấy rằng họ đều có những nỗi sợ để bắt đầu mối quan hệ như là sợ bị tổn thương một lần nữa, sợ bị lừa dối, sợ bị phản bội, sợ đau khổ trong tình cảm, sợ bị đánh giá,…

Nếu họ không thể học cách vượt lên trên những nỗi sợ của mình, cho dù một anh chàng tuyệt vời nào đó có xuất hiện, họ cũng không thể thật sự mở lòng đón nhận tình yêu được.

Tôi học được câu nói này trong một buổi Workshop mà tôi tham dự của diễn giả, tác giả sách và cũng là coach của tôi, người mà tôi rất ngưỡng mộ - Milena Nguyễn:

“Bạn không thể thật sự yêu ai nếu bạn không thể chấp nhận rằng bạn có thể sẽ mất họ.”

Trong tất cả mọi mối quan hệ đều ẩn chứa khả năng của sự chia ly. Và cho dù nếu hai bạn có sống với nhau đến tận đầu bạc răng long, thì cái chết cũng sẽ chia lìa cơ thể vật lý của cả hai.

Hãy nhắm mắt lại và tự hỏi mình:

“Nếu bây giờ tôi không sợ nữa, tôi sẽ làm gì?”

Câu trả lời có thể đơn giản là hãy cầm lấy điện thoại, nhắn tin cho người đó, và xem điều gì sẽ xảy ra.

Trong 6 điều này, bạn thấy điều gì hữu ích nhất với bạn? Bạn có bổ sung điều gì nữa không? Cùng chia sẻ với Katherine nhé.

Yêu bạn,

Katherine.

P/s: Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta sẽ có một mối quan hệ hạnh phúc khi ta gặp được “đúng người”. Nhưng sự thật là ta chỉ có thể có một mối quan hệ hạnh phúc khi ta là “đúng người” và ta sẽ gặp người cần gặp ở đúng thời điểm.

Để là “đúng người”, đầu tiên bạn cần chữa lành những vết thương trong mối quan hệ cũ, nhận ra những vòng lặp và những câu chuyện bi kịch ta thường kể với bản thân để tháo gỡ chúng và bước sang một trang mới cho cuộc sống của mình.

Bạn có thể bắt đầu tư ngay hôm nay, trở thành “đúng người” với Free Guidebook của Katherine: