Anh ấy phản bội? Đây là 3 điều bạn có thể làm để xoa dịu nỗi đau này.

93846527_722719091800080_2958029730072231936_n.jpg

“Người yêu của chị đúng không? Em nói để cảnh báo chị. Nếu anh ta đã hẹn em thì anh ta còn đã hẹn rất nhiều người nữa rồi” – Dòng tin nhắn như lời thoại trong một bộ phim drama nào đó của Thái. Ấy vậy mà nó lại gửi đến tôi.

Có kèm theo một bức ảnh chụp màn hình một đoạn tin nhắn.

Toàn thân tôi cứng đờ lại. Hít một hơi thở thật sâu để đứng vững, tay tôi vừa run lẩy bẩy vừa phóng to vào bức ảnh. Chỉ 1% thôi, tôi mong rằng, rất mong rằng, có thể có sự nhầm lẫn.

“Ai đó mượn điện thoại anh chăng? Hay tin nhắn này đã từ có trước khi chúng tôi quen nhau?”- tôi cố gắng bào chữa.

Nhưng cái chuyện cổ tích đấy đã không diễn ra, dòng tin nhắn mà anh ta gửi đi trong bức hình chỉ vừa đúng 1 phút ngay sau khi vừa cúp máy cuộc gọi với tôi.

Ngã khụy xuống giường, trước mắt tôi tối sầm lại, vậy là tôi đã bị phản bội.

Anh ta gạ tình các cô gái trẻ khác. Trớ trêu hơn, điều này lại xảy ra với tôi - một người đã cam kết dùng cả đời mình để đi giúp những người phụ nữ khác trong tình cảm.

“Tại sao tôi lại không nhận ra những điều này sớm hơn? Tôi đã tin tưởng anh ta, nói với anh về bí mật, nỗi niềm và cả khao khát của mình. Tôi cho anh ta vào nhà, vào giường, vào chung bồn tắm. Tôi cho anh ta thấy tất cả về mình. Thật ngu ngốc” - Tòa án phán xét trong tôi mở phiên tòa khẩn trong đêm. Tôi thấy ông thẩm phán già cầm một sấp giấy dày, nhướn mày nhìn tôi qua cặp mắt kính bị trễ xuống tận gần miệng: “Lại bị phản bội nữa à?” - ông thở dài, và bắt đầu đọc lên những tội trạng của mình.

Chất giọng chậm rãi kéo dài của ông ta như những vết dao đâm vào trái tim tôi.

“Chắc hẳn có gì đó sai ở tôi”- Tôi đứng trước vành móng ngựa của lòng mình và bắt đầu khóc. Tôi mếu máo hệt như hồi lên 6, khi mẹ tôi quay về nhà và nói rằng bà sẽ không thể ở với tôi nữa. 

Nếu bạn đang trải qua giai đoạn bị phản bội, tôi hiểu được cảm giác của bạn. Nó như một cái món ăn hổ lốn giữa mọi loại cảm xúc; vừa tức giận, đau đớn, kinh tởm, trầm cảm và một loạt các cảm xúc không thể gọi tên xen giữa.

Toàn thân tôi co cứng lại, cảm giác như có một bàn tay vô hình móc xuyên qua cổ họng, thò vào bóp nát trái tim và đâm thẳng xuống dưới bụng để lôi hết ruột gan mình lên. Vừa khóc tôi vừa buồn nôn.

Đêm đó tôi đã không thể ngủ được. Chỉ mới đây thôi, chúng tôi đã hẹn nhau đến Bali, chúng tôi nói về gia đình, đám cưới, tiền tiết kiệm và cả những đứa trẻ. Nhưng tất cả đã trở nên vụn vỡ chỉ sau một đêm.

Mặc dù vậy, tôi vẫn gắng gượng bò dậy và quỳ gối trên giường, cả người trên của tôi nằm úp xuống. Tôi bắt đầu cầu nguyện.

Tôi không phải là người theo Đạo. Nhưng trong những lúc đau đớn nhất, tôi vẫn thường cầu nguyện. Lúc đó, tôi chỉ mong rằng mình có thể bám víu lấy một nguồn ánh sáng nào đó để vượt qua giai đoạn này.

Và trong khoảng không tĩnh mịch của đêm đó, hình ảnh nụ cười và bàn tay của Đức Phật đã hiện ra. Tôi bỗng nhớ lại vào năm nào đó, khi cũng đang trải qua những vấn đề của cuộc đời mình, tôi đã được nghe kể về một câu chuyện của Đức Phật.  

93361818_676413626456679_6524889727395430400_n.jpg

“Đừng Sợ. Con Đang Được Giúp”

Câu chuyện đó kể rằng con người thì luôn mong gặp Đức Phật; nhưng trớ trêu thay, khi thật sự gặp được Ngài, họ lại thường hoảng sợ. Do vậy, Đức Phật đã dơ tay lên, với tay phải đưa lên ngang tầm ngực, lòng bàn tay xoay ra ngoài và các ngón tay hướng lên trên. Ngài nói: “Đừng Sợ. Ta đến để giúp”.

Tư thế tay như vậy được gọi là là Abhaya Mudrā (vô úy thủ ấn), trong đó Abhaya có nghĩa là “không sợ hãi”.

Trong những khoảnh khắc khó khăn của cuộc sống, ta thường hoảng sợ. Ta cho rằng trước mặt mình chỉ toàn tăm tối và vực thẳm.

Tuy vậy, vào chính những giai đoạn đó, ta mới thực sự đang được giúp. Ta được giúp để trở nên mạnh mẽ hơn, tỉnh thức hơn và điều chỉnh hướng đi đến với đúng con đường của mình. Đức Phật đang đứng liền kề, nhưng do hoảng sợ mà ta đã không thể nhìn thấy được ánh sáng của Ngài.

Đêm hôm đó, và nhiều đêm sau đó nữa, tôi vẫn khóc. Nhưng tận sâu thẳm trong lòng mình, tôi biết rằng tôi đang được giúp.

Vào thời điểm tôi viết bài viết này, hơn nửa năm đã trôi qua. Theo đánh giá của mình, trái tim tôi đã được hàn gắn đến 90%  và đang tiến bước đến những trang mới của cuộc đời mình một cách tự do, bình yên và hạnh phúc.

“Your biggest breakdown is your biggest breakthrough” – Tôi mỉm cười, nhớ lại một câu trong bài thơ mà một người chị đã viết tặng tôi ở thời điểm đó. Câu này có nghĩa là thất bại lớn nhất của bạn rồi sẽ trở thành món quà/sức mạnh lớn nhất của bạn.

Bây giờ đây, tôi thật sự cảm nhận được điều này bằng cả cơ thể mình.  

Nếu tôi làm được thì bạn cũng sẽ làm được.

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn 3 điều mà bạn có thể làm ngay để dịu đi nỗi đau trong lòng bạn sau khi bị phản bội. Bài viết này chưa hoàn chỉnh để bạn có thể vượt qua nỗi đau này, nhưng nó lại là một nơi tuyệt vời để bạn bắt đầu chuyến hành trình hàn gắn trái tim và bước sang một trang mới cho cuộc đời mình.

1.      Để tâm trí của bạn được nghỉ ngơi.

Tâm trí bạn rất giỏi việc phân tích. Sau khi bị phản bội, việc đầu tiên mà tâm trí làm sẽ là quay trở về quá khứ, lục lọi lại dấu vết và đưa ra kết luận.

Nó sẽ đưa bạn về lại từng thời điểm “không ổn” trước đây, tìm ra dấu hiệu của việc bị phản bội và kết luận lại sự ngu ngốc của bạn.

Nó cũng sẽ bới tìm bằng được 1 cái lý do đủ logic để giải thích “Tại sao anh ta lại phản bội?” – Tại tôi, tại anh hay tại ai? Tôi nhớ mình đã lục tung tất cả những bài báo, bài nghiên cứu để tìm cho bằng được cái lý do này.

Nó càng tìm thì trái tim của bạn càng rỉ máu.

“It is what it is” – Nó là cái mà nó là. Đây là một câu nói ưa thích của tôi vào thời điểm đó.

Cho dù anh ấy đã phản bội ra sao, khi nào, lý do là gì thì nó cũng chẳng quan trọng. Đây là cái mà nó là - đó là anh ta đã phản bội, anh ta đã không lựa chọn mối quan hệ này. Hết.

Sau này, khi trái tim của bạn đã vững vàng trở lại, bạn luôn có thể quay về ký ức của mình để xem lại các sai lầm và bài học trong mối quan hệ này. Còn bây giờ, điều bạn thật sự cần làm, đó là tập trung vào chữa lành vết thương đang rất đau đớn của bạn.

“Tâm hồn bạn luôn biết cách chữa lành chính nó, thử thách ở đây là làm tâm trí bạn tĩnh lặng”

– Caroline Myss

Tôi nghe được câu nói tuyệt vời này ở một buổi tập yoga của mình.

Trong tác phẩm văn học nổi tiếng Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân, hình ảnh Tôn Ngộ Không còn tượng trưng cho tâm trí của con người, luôn thích nhảy nhót lung tung, phân tích và rất logic. Tâm trí mình cũng được gọi là “Monkey Mind” là vì vậy.

Khi nào đó, nếu bạn cảm thấy chú khỉ tinh nghịch này lại long nhong khắp nơi về quá khứ, hãy hít thở một hơi thật sâu, vỗ về chú ấy và tự nói với bản thân mình: “It is what it is” – Nó là cái mà nó là.


Nếu bạn muốn bắt đầu hàn gắn trái tim mình để bạn có thể bước sang một trang mới của cuộc đời mình, hãy đăng ký buổi coaching miễn phí 1-1 “90 phút đánh thức chính mình sau khi chia tay” cùng Katherine tại link dưới đây:


2.      Anh ấy không phải là nguồn nỗi đau của bạn

Tôi biết nỗi đau này nó có thể lớn đến chừng nào. Và mặc dù bạn đang đổ lỗi cho anh ta nhiều đến thế nào. Bạn thân yêu, anh ấy không phải là nguồn gây ra nỗi đau của bạn. Điều anh ta làm chỉ là gẩy lên nỗi đau đã có sẵn trong bạn.

“Bạn đặt ý nghĩa gì cho việc anh ta phản bội?” – Tôi luôn tự hỏi mình câu này.

Ý nghĩ mà tôi tự đặt ra thường là:

Có điều gì đó rất sai ở tôi nên tôi luôn bị vậy.

Tôi không đủ điều gì đó để làm anh ta ở lại.

Tôi giúp đỡ những người phụ nữ khác mà lại để cho một người lợi dụng thân thể phụ nữ ở cạnh mình. Tôi thật ngu xuẩn.

Tôi không xứng đáng với ước mơ của mình.

Tôi không xứng đáng để làm những gì tôi đang làm.

……………

Đây mới chính là nỗi đau của tôi. Nằm ẩn sâu bên dưới vẻ bề ngoài tự tin, tôi đã luôn tự hỏi về giá trị của bản thân mình và hoài nghi với khả năng đạt được ước mơ của mình.

Tôi hoàn toàn không biết về những vết thương này. Chỉ khi qua những việc này, tôi mới có cơ hội nhìn ra chúng.

Bạn thấy không? Chúng ta thật sự đang được giúp.

Khi tôi nhận rằng anh ta không phải nguồn gây ra nỗi đau cho mình, tôi tự giải thoát bản thân tôi từ vai nạn nhân sang thành người làm chủ cuộc đời mình. Và tự quay lại để chữa lành vết thương trong trái tim mình.

Anh ta phản bội bạn chỉ là do vấn đề đến từ anh ấy.

Thay vì phản bội, anh ta có thể lựa chọn những giải pháp khác. Anh ta có thể tự xem điều anh ta cần là gì và trò chuyện với bạn. Anh ta có thể cùng bạn tìm ra giải pháp cho vấn để của mình mà vẫn tôn trọng mối quan hệ này.

Có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề, nhưng anh ta lại lựa chọn cách phản bội.

Đó là lựa chọn của anh. Và nó chẳng liên quan gì đến bạn cả.

Giống như nỗi đau này của bạn, thực ra nó cũng chẳng nói gì lên con người anh ấy cả, chỉ đơn giản đây là vấn đề của bạn.

Mỗi người đều có những vấn đề riêng, sự lựa chọn riêng, và bài học của riêng mình.

Hãy cùng đặt bút xuống và trả lời câu hỏi này: “Bạn đặt ý nghĩa gì cho việc anh ta phản bội mình?”

Hãy viết ra tất cả những câu trả lời hiện ra trong tâm trí bạn mà không đánh giá tính đúng sai, nó sẽ mở ra cơ hội để bạn nhìn ra vấn đề của mình và phát triển bản thân hơn.

3.      Để cho bạn được đau

Theo một số liệu nghiên cứu, việc trải qua nỗi đau chia tay nó có có thể có dư chấn tâm lý lớn hệt như trải qua nỗi đau mất người thân. Những cảm xúc hỗn độn, pha tạp giữa ân hận, hối tiếc, căm thù, tức giận và tuyệt vọng sẽ khiến bạn cảm thấy hoảng loạn.

Khi làm việc với các khách hàng cho chương trình coaching của mình, đa phần tất cả các bạn đều hỏi tôi: “Tại sao em vẫn chưa quên được người yêu cũ?”

Tôi nghĩ câu hỏi này còn khiến họ phiền lòng hơn nhiều so với bản thân chính nỗi đau chia tay.

Trong quyển sách của nhà tâm lý học Elisabeth Kübler-Ross năm 1969 “Về Sự Chết Và Hấp Hối” (On Death and Dying), bà đã đề xuất 5 giai đoạn đau buồn khi quan sát những bệnh nhân giai đoạn cuối. Sau này bà đã mở rộng lý thuyết của mình đến những dạng mất mát khác, một trong số đó là chia tay.

Tùy vào trường hợp của mỗi người, có thể bạn sẽ trải qua ít hoặc nhiều hơn 5 giai đoạn. Đây là các giai đoạn cùa tôi: Sốc và phủ nhận sự thật, níu kéo, tức giận, trầm cảm, bắt đầu vực dậy, chấp nhận, nhận thức và bình yên.

Các giai đoạn này là những phản ứng rất bình thường của con người khi gặp mất mát. Do vậy, việc bạn đang ở một trong những giai đoạn cảm xúc này thì đều không có gì là xấu và sai cả. Khi tất cả những cảm xúc đau đớn được thật sự cảm nhận thì nó sẽ qua đi và bình yên sẽ trở lại với bạn.

Và tôi không rõ nó có thể kéo dài đến bao giờ, nhưng điều tôi rõ nhất là bạn không cần phải “hoàn tất hàn gắn trái tim” để hạnh phúc, để yêu và bắt đầu cuộc sống mới. Hàn gắn trái tim là một hành trình.

Trong khoảng thời gian nửa năm chia tay, tôi tổ chức được 2 buổi Workshop tại HCM; trực tiếp coaching khai vấn tâm lý cho 3 khách hàng kéo dài 3 tháng; viết blog, làm video, xây dựng chương trình coaching mới. Tôi vẫn đi làm và tham gia các môn thể thao ưa thích của mình.

Tôi làm tất cả những điều này ngay cả khi ban đêm về, tôi vẫn nằm trên giường và khóc vì cô đơn và đau đớn.

Cảm xúc là một phần của bạn, bạn không phải là một phần của cảm xúc. Giống như bạn là vị thuyền trưởng của con tàu cuộc đời mình còn cảm xúc chỉ là những vị hành khách ngồi trên tàu. Khi họ cáu kỉnh và không vui, bạn đâu nhất thiết phải ném họ xuống biển. Bạn chỉ cần cho họ làm điều họ muốn và rồi bạn vẫn tiếp tục tự do lựa chọn hướng đi cho con tàu của mình thôi.

Nếu bạn đang cảm thấy bối rối không biết bắt đầu từ đâu để cho bạn được cảm nhận cảm xúc của mình, thì đây là những tips có thể giúp bạn:

  • Viết những lá thư (không nhằm mục đích gửi đi) cho người yêu cũ của bạn. Mục đích của những lá thư này là để bạn có thể dễ dàng để những cảm xúc đau đớn trôi ra khỏi bạn.

  • Truyền tải nỗi đau qua nghệ thuật: Một cách cực kỳ tốt để nỗi đau được hoàn toàn cảm nhận là thông qua nghệ thuật. Bạn có thể vẽ, múa, hát, nhảy, đánh một bản nhạc. Bạn cũng chẳng cần phải là một họa sĩ để thực hiện bài tập này.

  • Bật một bản nhạc buồn và khóc: Đôi khi chỉ cần thế là đã quá tuyệt vời. Hãy cùng lắng nghe bạn khóc, cùng ôm bạn và cùng trưởng thành với bạn.

Bạn thân yêu, trên đây là 3 điều bạn có thể bắt đầu làm từ hôm nay để xoa dịu nỗi đau của mình. Tôi tin rằng bạn sẽ làm được.

Tôi sẽ đợi bạn ở đây, ở ngay đầu một chương mới của cuộc đời bạn.

P.S: Ở trong bài viết này, bạn đã nhận được cảm hứng, chìa khóa cũng như các công cụ để bắt đầu hàn gắn trái tim sau khi chia tay. Tuy vậy, để giúp bạn chữa lành vết thương của mình nhiều hơn, tôi sẽ viết nhiều bài viết chi tiết hơn cho trái tim của bạn. Hãy đăng ký ở link dưới đây để nhận những bài viết chữa lành cho trái tim bạn sau khi chia tay.

P.P.S: Điều tôi học được lớn nhất trên hành trình này là thời gian không thể chữa lành hết tất cả. Đôi khi điều bạn cần là biết cách thức thật sự để vượt qua nỗi đau của bạn.

Và tôi muốn mang đến cho bạn nhiều giá trị hơn những bài viết. Để làm được điều đó, thì cách duy nhất của tôi là thông qua chương trình Coaching của mình, nơi tôi có thể làm việc 1-1 trực tiếp với vấn đề của riêng bạn. Hiện tại, tôi có buổi coaching miễn phí “ 90 phút Đánh Thức Chính Mình Sau Khi Chia Tay”, hãy đăng ký nếu bạn thật sự muốn bắt đầu bước sang một trang mới của cuộc đời mình từ hôm nay: