Yêu Vô Điều Kiện Và Ranh Giới Trong Tình Yêu (Liệu bạn có thể?)

102603279_3246618042070744_8660248888210810272_o.jpg

Người đầu tiên dạy cho tôi về tình yêu vô điều kiện là mẹ, và ba điều tôi học được đó là nhẫn nhịn, hy sinh và cảm hóa.

Đối với mẹ, phụ nữ đóng vai trò chính trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Nếu đàn ông phản bội thì là do phụ nữ chưa đủ để níu giữ đàn ông.

Nếu đàn ông muốn quay lại thì phụ nữ cần bao dung và tha thứ.

Còn nếu phụ nữ sai, cô ấy sẽ phải chịu trừng phạt của người đàn ông và cái nhìn phán xét của xã hội.

Tình yêu vô điều kiện đó là sự hy sinh liên lũy, cho đi mà không đòi hỏi nhận lại và bao dung tha thứ cho dù người ấy làm bất kỳ điều gì.

Mẹ rất tự hào rằng trong 28 năm kết hôn cùng bố, chính nhờ những điều này đã giúp bà duy trì thành công được một gia đình êm ấm và giúp bố tôi trở nên tốt đẹp hơn.

Bởi thế, tôi bắt đầu lớn lên cùng với hạt giống này về tình yêu. Nó len lỏi vào tâm trí tôi, nảy mầm và mọc rễ vào tiềm thức. Tôi không ngờ rằng chính những bài học này đã mang về cho tôi những mối quan hệ nguy hiểm về sau.

“Chính những câu chuyện mà bạn đã nói với bản thân về con người bạn và cách cuộc sống vận hành thế nào đã ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.” - John Sharp – bác sĩ tâm lý và chuyên gia ở Havard Medical School

Tôi lao vào tình yêu một cách nhanh chóng, vứt bỏ cả bản thân và cuộc sống của mình khi yêu. Tôi sẵn sàng làm tất cả mọi thứ có thể để khiến người mình yêu được thoải mái nhất.

Giống như mẹ, tôi rất tự hào về điều này ở mình.

Chỉ cho đến buổi tối ngày hôm đó, cái đêm mà tôi chia tay người bạn trai thứ ba, tôi bắt đầu dừng lại và bừng tỉnh. Ngồi trên giường của mình với một trái tim vụn vỡ và đầy tổn thương, hai đầu gối của tôi gập chặt vào đầu, tôi tự hỏi:

“Vậy thật sự tình yêu là gì?”

“Vậy thật sự tình yêu là gì?”

Khi một mối quan hệ đổ vỡ, ta thường chạy ngay đi tìm một mối quan hệ khác với mong muốn mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn.

Ở giai đoạn đầu của tình yêu, khi mọi thứ thật mới mẻ, ta nghĩ rằng sau bao gian truân, cuối cùng ta có thể tìm được “Anh Ấy”, cái người mà ta thường lãng mạn hóa với cái tên là “Định mệnh”.

Tuy nhiên, khi giai đoạn mật ngọt ban đầu qua đi, mọi thứ bỗng quay trở lại như cũ, các vấn đề trong tình cảm của ta lại lặp lại y hệt như trong những mối quan hệ cũ. Để rồi sau đó ta tự hỏi “Phải chăng có điều gì đó chưa đủ ở mình, phải chăng số mệnh mình quá lận đận trắc trở với tình yêu?”

Ta đổ lỗi cho cuộc đời, cho mẹ, cho cha, cho con cún nhà anh ấy và cho cả anh ấy. Giống như ta mời hành khách lên con thuyền của mình và đổ rằng họ đã làm cho thuyền của ta đi sai hướng.

Sự thay đổi bền vững nhất đến từ sự thay đổi ở bên trong.

Nếu cách lái tàu của ta được dạy sai, thay vì chỉ trích mình và người khác, tại sao ta không học cách để lái tàu cho đúng từ bây giờ?

Theo John Sharp – bác sĩ tâm lý và chuyên gia ở Havard Medical School đã nói trong bài TEDx-Talk của mình: “Chính những câu chuyện mà bạn đã nói với bản thân về con người bạn và cách cuộc sống vận hành thế nào đã ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.”

Ngày hôm đó, khi mọi thứ vỡ vụn và chạm xuống đáy, tôi đã may mắn nhận ra câu hỏi mà mình nên tìm lại câu trả lời.

Vậy tình yêu vô điều kiện là gì? Nó có phải là sự hy sinh, nhẫn nhịn và cảm hóa hay không?

Không.

Đó không phải là tình yêu vô điều kiện.

Mặc dù tận sâu thẳm trong trái tim tôi biết rằng họ không hợp với mình, nhưng vì không biết cách yêu bản thân nên tôi cần họ ở bên để lấp đầy nỗi cô đơn và thiếu thốn.

Mang danh nghĩa của sự hy sinh liên lũy, nhưng ẩn đằng sau đó là mong muốn họ sẽ được cảm hóa, thay đổi và mang đến cho mình thứ tình cảm mà mình cần.

Tôi ở cạnh họ cũng chỉ vì mình.

Tôi cũng không yêu con người họ ngay tại lúc này, mà chỉ đang yêu con người mình mong muốn về họ.

Giống như khi bạn rất thích ăn táo nhưng nhà bạn lại trồng cây lê, điều bạn làm sẽ là gì?

  1. Tự tìm ra táo cho mình ăn.

  2. Bỏ cây lê và trồng cây táo.

  3. Ngồi ở cây lê và mong rằng nhất định sẽ có ngày ăn táo.

Bạn thường chọn cách 1 và 2 đúng không? Ấy vậy nhưng trong tình yêu chúng ta lại thường chọn cách số 3 - Ta mong rằng người ấy sẽ thay đổi.

Yêu vô điều kiện tức là yêu như người đó là, ngay bây giờ, ngay tại lúc này mà không trông đợi sẽ có bất kỳ sự thay đổi nào. Nếu anh ấy thay đổi thì là tốt cho anh ấy, còn không thì bạn vẫn ở đây với anh ấy.

Còn nếu bạn không thể chấp nhận được con người của anh ấy và có nhu cầu khác, đó là lúc bạn cần ngồi xuống và xem xét lại mối quan hệ của mình.

Đây là lúc mà ranh giới trong tình yêu xuất hiện.


Bạn đã chia tay người yêu và đang cảm thấy đau khổ, lạc lõng? Bạn muốn nhận được sự giúp đỡ để hàn gắn trái tim và bước sang một trang mới cho cuộc sống của mình? Bạn có thể tìm hiểu về chương trình coaching “90 Ngày Hàn Gắn Trái Tim Sau Khi Chia Tay” cùng Katherine tại đây:


Yêu vô điều kiện mà thiếu đi ranh giới thì không khác nào có một căn nhà đẹp mà lại không có cửa.

Ở mối quan hệ cũ, vì không biết cách đặt ranh giới cho bản thân, các mối quan hệ đã trở nên rất độc hại cho bản thân tôi. Những nhu cầu được yêu thương và lắng nghe của tôi bị bỏ qua. Lời hứa thì sẽ bị bỏ quên, thời gian bị xem nhẹ và giá trị mà tôi đã luôn tin tưởng bị xâm phạm.

Thay vì đối diện với mâu thuẫn và chấp nhận sự không thoải mái trong mối quan hệ để trò chuyện một cách rõ ràng, tôi hạ ranh giới của mình xuống và chiều theo cảm xúc của anh.

Để đến khi tôi như một con thú bị dồn đến đường cùng thì tôi mới phát hiện ra rằng chẳng còn gì lại cho mình ngoài trái tim bị rỉ máu và sự mệt mỏi khắp cơ thể.

Cho dù có 99% lỗi sai là đến từ anh ấy thì bạn thân yêu, cũng có 1% lỗi lầm là đến từ bạn vì đã để cho những điều đó xảy ra với mình.

“Cho dù có 99% lỗi sai là đến từ anh ấy thì cũng có 1% lỗi lầm là đến từ bạn vì đã để cho những điều đó xảy ra với mình.”

Tôi thường đặt ra 2 loại ranh giới trong tình yêu:

Loại 1: Ranh giới cho phép được sửa

Đôi khi những người yêu thương bạn thật lòng cũng có thể vô tình có những hành động và câu nói khiến bạn cảm thấy buồn và không được tôn trọng.

Khi đó, tôi sẽ trò chuyện với anh ấy để nói ra cảm xúc và nhu cầu của mình. Đối với ranh giới này, tôi cho họ cơ hội sửa đổi. Nếu vẫn tiếp tục như vậy vài lần nữa, tôi sẽ bảo vệ mình bằng cách bình yên rời đi khỏi mối quan hệ.

Và việc trò chuyện cởi mở với nhau về những ranh giới này cũng sẽ giúp mối quan hệ của bạn sâu sắc và bền chặt hơn rất nhiều.

Loại 2: Ranh giới tuyệt đối không được chạm vào.

Đó là những hành động, lời nói gây tổn thương lớn đến tôi và đi ngược lại với những giá trị mà tôi theo đuổi.

Ví dụ như xúc phạm nhân phẩm, bạo hành động vật và lợi dụng lòng tin của tôi. Những ranh giới này, một khi chạm vào, nhất định tôi sẽ tự do cho mình rời đi mà không suy nghĩ cho dù có đau đớn thế nào.

Những người thật sự yêu bạn và phù hợp với bạn, có thể sẽ vô tình chạm vào ranh giới thứ 1, nhưng tuyệt nhiên sẽ không chạm vào ranh giới thứ 2.

Vậy thì làm thế nào để tạo ranh giới cho bản thân? Dưới đây là 4 tips nhỏ dành cho bạn.

1.    Học cách tự yêu thương chính mình và hạnh phúc với cuộc sống riêng của mình.

Khi bạn tự biết cách yêu thương chính mình và hạnh phúc với cuộc sống của mình, bạn sẽ không cần phụ thuộc ở cạnh một người đàn ông chỉ để lấp đầy nỗi cô đơn và nhàm chán trong bạn. Bạn sẽ nhận ra được đâu là người mang thêm hạnh phúc đến cho bạn và đâu sẽ là điều làm cuộc sống của bạn khổ sở.

Và nếu bạn đã lỡ chọn một người không phù hợp với mình, bạn sẽ có can đảm hơn để rời đi khỏi mối quan hệ này.

2.    Chú ý đến cảm xúc của bạn.

Ranh giới của mỗi người khác nhau phụ thuộc ở cảm xúc của bạn.

Lời nói và hành động của họ làm bạn cảm thấy như thế nào? Cơ thể bạn co lại hay nở ra? Bạn cảm thấy bình yên hay khó chịu trong lồng ngực?

Tôi đã từng rất sợ đối mặt với những cảm xúc không ổn của mình. Tuy nhiên, chính những cảm xúc này lại là những chỉ dẫn quan trọng giúp tôi hiểu hơn về bản thân và tiến đến một cuộc sống hạnh phúc hơn.

3.   Nói ra nhu cầu của bạn.

Sau khi biết được điều gì làm mình khó chịu, tiếp theo hãy xác định vậy nhu cầu của bạn là gì.

Khi một người chạm vào ranh giới của ta, điều đầu tiên ta làm thường là phản ứng lại và đổ trách nhiệm lên đầu họ: “Tại anh mà tôi cảm thấy thế này!”

Tâm lý của một người khi bị đổ lỗi sẽ là nảy sinh phản ứng tự vệ. Điều này gây khó khăn cho bạn khi giải quyết mâu thuẫn giữa cả hai.

Bạn cần có trách nhiệm với cảm xúc của mình. Việc bạn có cảm xúc như vậy là do bạn có những mong muốn chưa được đáp ứng.

Khi em trai tôi hỗn với mình, thay vì mắng là em ấy hư, tôi nói với em ấy rằng tôi cảm thấy buồn vì tôi muốn có được sự tôn trọng trong mối quan hệ này.

Tôi không đổ trách nhiệm lên em trai mình vì làm tôi buồn. Tôi chịu trách nhiệm cho cảm xúc của tôi và nói lên nhu cầu mình muốn với em một cách rõ ràng và bình tĩnh.

4.    Chấp nhận câu trả lời

Đặt ranh giới thì không có nghĩa người khác phải tuân theo ranh giới đó.

Bạn cần chấp nhận rằng, có thể người đó sẽ không đáp ứng được ranh giới này. Và điều đó cũng chẳng sao cả.

Khi bạn chấp nhận được lời nói Không của người khác thì bạn sẽ có can đảm để trò chuyện về ranh giới của mình hơn. Khi câu trả lời là Không, bạn cần yêu bản thân mình đủ để lựa chọn điều gì là tốt nhất cho mình và cũng cho họ được tự do là chính họ.

Tình yêu thật sự luôn để cho hai người được tự do. Và đôi khi, điều đó đồng nghĩa với việc kết thúc một mối quan hệ.

Bạn luôn xứng đáng được yêu thương, được trân trọng. Chỉ có điều, bạn có để cho mình được yêu thương và trân trọng không thì cũng nằm ở sự lựa chọn của bạn.

Yêu bạn,

Katherine.

P.S: Bạn đã học được cách yêu vô điều kiện và đặt ranh giới trong tình yêu, câu trả lời của bạn là rời đi? Giờ đây bạn đang cảm thấy đau khổ và không biết làm gì cho chặng đường tiếp theo?

Đừng lo, Katherine ở đây với bạn. Trải nghiệm sau khi chia tay có thể sẽ rất đau đớn và cô đơn với bạn.

Katherine hiểu rõ điều này nên tôi muốn chia sẻ với bạn chương trình coaching “90 ngày Hàn Gắn Trái Tim Sau Khi Chia Tay” để bạn có thể bước sang một trang mới cho cuộc sống của mình.

Bạn có thể đăng ký 1 buổi coaching miễn phí 1-1 “90 phút Đánh Thức Chính Mình Sau Khi Chia Tay” cùng Katherine tại đây: